2/2/07

BÍCH NGÂN - Ngày mới nhẹ nhàng

NGÀY MỚI NHẸ NHÀNG

Tạp bút của Bích Ngân





Ngày đầu năm mới, tôi thường ngơ ngẩn nhớ. Nhớ ngày hôm qua, mối tình đã qua, vấp ngã đã qua, oan ức đã qua…và nhớ luôn mấy lần phết thuốc nhuộm giấu đi những sợi tóc bạc. Mang tâm trạng tiếc nuối vẩn vơ, tôi lại thèm được gởi lời chúc tốt lành đến với những người mà mình vẫn nhớ.

Trong số người tôi gởi lời chúc có Nguyễn Ngọc Tư. Nếu nhớ không nhầm thì tôi gởi Tư tin nhắn: “Năm mới chúc em viết nhiều, viết hay và hạnh phúc !”. Tôi nhận hồi âm: “Điện thọai của ai vậy ? Cảm ơn nghen!”. Hẫng, tôi nhắn lại: “Không còn nhớ bà chị xứ sở sao ?”. Tư nhắn lại ngay: “Bích Ngân ? Trong lòng em thì có, điện thọai thì không, vì điện thoại đem đi giặt bằng máy giặt nên sạch sẽ lắm. Chúc chị nhẹ nhàng, năm mới nhẹ nhàng, ngày mới nhẹ nhàng”. Đọc lại lời của Tư, tôi tự cười, dù biết nhỏ có ý “chơi” bà chị vừa giở cái giọng nặng trình trịch sau câu chúc ngon ngọt đầu năm. Tôi lưu tin nhắn của Tư, tự dưng thấy nhẹ nhàng, cơn gió cũng thoảng qua rất nhẹ, ánh nắng ngày mới cũng rất trong, giai điệu một khúc ca quen như cũng mọc cánh…

Rồi mới ngày hôm qua, đọc tạp bút “Năm ngoái và sợi dây thừng…” của Nguyễn Ngọc Tư (Phụ nữ chủ nhật, ngày 7.1.2007), tôi giật mình. Tư ơi, em và chị, cũng như bao nhiêu con người đi lại hít thở trên mặt đất này, ai ai cũng muốn “quẳng gánh” và vui sống, sống nhẹ nhàng, không phải chỉ một ngày, một tháng, một năm mà còn mong suốt cả một kiếp người và cũng đều ao ước được ràng rịt nhau bằng sợi dây yêu thương. Vậy mà, có những điều ta muốn quên, lại không thể quên, những điều muốn vùi chôn, lại cứ trồi lên, không nơi này lúc này thì nơi khác lúc khác, nhiều khi lại h iện diện ở chính ta trong ta, lúc nhấc bổng ta lên, quăng quật ta chới với, lúc lại giúi ta chúi xuống cái vực đen ngòm…

Cũng đã lâu lâu, tôi không đọc báo trước mỗi ngày làm việc mà đổi lại đọc vào cuối ngày. Bởi, thông tin trên nhiều trang báo - niềm vui thường nhẹ nhàng lướt qua nhưng những sự việc đau lòng do ông trời sinh ra và do con người gây ra thì vướng lại, bồn chồn, không yên. Có những gương mặt, mới ngày hôm qua, với phong thái nhẹ nhàng, thốt ra những điều nhân nghĩa nghe thật trơn tru, thì hôm sau, những chiếc mặt nạ tuột xuống, trơ ra bộ mặt khác, nghĩ khác, hành động khác… Có lúc tôi tự trách, sao mình không có được khả năng dửng dưng. Sao mình không cố gắng sống nhẹ nhõm, sao mình cứ nghĩ ngợi chuyện thiên hạ, trong khi việc mình, chuyện mình cũng đã mệt nhoài.

Nhưng, khi đã dửng dưng thì cuộc sống chắc nhẹ nhàng theo một kiểu khác. Khi đó, có lẽ tôi không sao hình dung nổi cái nỗi đau không nén được khi Nguyễn Ngọc Tư nhớ tới sợi dây thòng lọng lơ lửng đâu đó. Sợi dây ám ảnh, sợi dây tưởng như vô hình ấy đã tước mất cái thơ thới nhẹ nhàng mà Tư mong có. Mà sự ám ảnh đâu chỉ dành riêng cho Tư. Sợi dây đó nhiều khi cứ chờn vờn trước mặt, đôi lúc quàng vào cổ ta, rồi toát mồ hôi khi thấy mình vùng vẫy thoát ra khỏi nó. Rồi lúc bình tâm, lại thấy chính sợi dây lại nhắc ta số phận luôn chơi trò biến tấu, ta chỉ nhỏ nhoi một kiếp phù sinh.
Và những ám ảnh về nỗi sợ cũng không kém ngột ngạt: sợ sự kém cỏi, sợ phản bội, sợ sự giả trá, sợ con cái không vâng lời, sợ không được yêu thương kính trọng, sợ không có người nhang khói… Sợ… có lẽ chính nỗi sợ đã lấy đi sự tự tin ở người đi trước và ở cả những bậc mẹ cha. Cũng là một người mẹ nên tôi thấm thía cách ứng xử nghi kỵ và áp đặt chưa bao giờ mang lại một kết cục sáng sủa. Khi thật sự yêu thương và tôn trọng con cái, cha mẹ không bao giờ để cho chúng trở thành một bản sao của mình. Những bậc yêu con đúng nghĩa luôn tạo mọi điều kiện để chúng trưởng thành với giá trị mà chúng nỗ lực giành lấy cùng với sự tự nguyện tìm kiếm, khám phá, lựa chọn. Đó là sự tự do và cũng là sự bảo vệ mà con cái cần ở đấng sinh thành. Cũng như người đi sau cần, rất cần từ người đi trước sự thách thức kích thích tiềm năng, kích thích sáng tạo, kích thích sự dấn thân.

Với Nguyễn Ngọc Tư cũng như bao người cầm bút khác, luôn cần bầu không khí trong trẻo để hít thở, để nhẹ nhàng đón một ngày mới với cái vươn vai, lớn dậy.

Sài Gòn, 6.1.2007
Bích Ngân

(bài đã đăng trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần,
số 04-07 (1218), ra ngày 28-01-2007;
do nhà văn Bích Ngân gửi đến giao lưu trên web. này).



Không có nhận xét nào:


.